Nhà xưởng là không gian làm việc, sản xuất có diện tích rộng, sức chứa cũng như quy mô lớn, có nhiều mô hình khác nhau đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp. Trong hoạt động sản xuất, nhà xưởng đóng vai trò rất quan trọng. Với ngành sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển mạnh, yêu cầu về nhà xưởng của các doanh nghiệp cũng ngày càng khắt khe và đa dạng hơn. Vậy nhà xưởng là gì? Có những loại nhà xưởng nào? Tiêu chuẩn nào để chọn được nhà xưởng phù hợp? Bài viết dưới đây sẽ thông tin đến các bạn những nội dung xoay quanh vấn đề này.
Nhà xưởng là gì?
Nhà xưởng là loại nhà được thiết kế với quy mô và tiêu chuẩn riêng biệt, khác hẳn với mô hình nhà ở. Xét về quy mô, nó rộng hơn so với nhà ở hay văn phòng làm việc. Xét về thiết kế trang trí, nó đơn giản hơn. Xét về tính năng, nó tập trung phục vụ nhu cầu sản xuất và là nơi tập trung nhân lực, trang thiết bị cũng như nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình sản xuất.
Nhà xưởng cũng được xây dựng để phục vụ các nhu cầu lưu trữ, bảo quản hàng hóa. Nó là một khâu quan trọng trong quá trình lưu thông hàng hóa, đảm bảo cung ứng cho dây chuyền sản xuất – phân phối của doanh nghiệp.
Nhà xưởng ra đời khi cuộc cách mạng công nghiệp của con người chính thức bắt đầu. Nó thể hiện rõ rệt sự phát triển của ngành công nghiệp và có tầm quan trọng đặc biệt với các doanh nghiệp sản xuất. Nói đúng hơn, nó chính là xương sống của doanh nghiệp sản xuất. Tại nhà xưởng, doanh nghiệp sẽ đặt các dây chuyền sản xuất, bố trí nhân công để thực hiện các kế hoạch sản xuất hàng hóa, sản phẩm.
Hiện nay, hạng mục thi công nhà xưởng rất được các doanh nghiệp chú trọng. Với các doanh nghiệp chọn thuê nhà xưởng công nghiệp, họ cũng yêu cầu khắt khe về quy mô, diện tích, vị trí, cũng như chất lượng nhà xưởng nhằm đảm bảo có được không gian làm việc tốt nhất cho công nhân, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Ngày nay, nhà xưởng thường có xu hướng tập trung nhiều ở các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Nó góp phần thay đổi bộ mặt nền kinh tế và tạo nên rất nhiều thay đổi trong xã hội loài người.
Phân loại một số kiểu nhà xưởng phổ biến
Theo nghiên cứu, có rất nhiều loại nhà xưởng khác nhau. Cách phân loại nhà xưởng có thể được sắp xếp theo chức năng, theo đặc điểm quy hoạch hoặc theo vật liệu chịu lực hay mảng sản xuất… Dưới đây là một số kiểu nhà xưởng điển hình nhất:
Các kiểu nhà xưởng công nghiệp điển hình
- Nhà xưởng xây sẵn: Là loại hình nhà xưởng được xây sẵn trong các khu công nghiệp. Sau đó doanh nghiệp sẽ thuê hoặc mua lại các nhà xưởng này.
- Nhà xây theo yêu cầu: Các loại nhà xưởng được xây theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhằm đáp ứng tốt nhất quy hoạch mà doanh nghiệp đưa ra và đảm bảo phù hợp với từng ngành nghề sản xuất của doanh nghiệp.
- Nhà xưởng một tầng: Là mẫu nhà xưởng truyền thống, thuận tiện cho doanh nghiệp trong quá trình làm việc, có thể dễ dàng thay đổi tùy thuộc vào từng đặc thù ngành nghề của doanh nghiệp.
- Nhà xưởng cao tầng: Xây dựng từ 2 tầng trở lên. Đây là mẫu nhà xưởng đang trở thành xu hướng hiện nay. Mẫu nhà xưởng này có diện tích từ 150m2/sàn, được trang bị đầy đủ hệ thống và tiện ích, thích hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Nhà xưởng không có văn phòng: Loại hình nhà xưởng này không có văn phòng, chỉ tập trung vào khu vực sản xuất. Nó thường được xây dựng để phục vụ cho các doanh nghiệp gia công kim loại, dụng cụ sửa chữa, sản xuất hàng tiêu dùng hay phân bón.
- Nhà xưởng có văn phòng: Bao gồm 2 khu vực chính là khu sản xuất và khu văn phòng. Thay vì có văn phòng bên ngoài thì tích hợp vào trong nhà xưởng để tiết kiệm chi phí đầu tư. Đồng thời, đảm bảo hỗ trợ quá trình quản lý và vận hành doanh nghiệp.
So sánh các mô hình nhà xưởng
Mỗi mô hình nhà xưởng đều có những ưu nhược điểm nhất định. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần chọn được mô hình nào phù hợp với đặc trưng sản xuất của mình. Dưới đây là bảng so sánh các loại nhà xưởng điển hình. Các bạn có thể tham khảo để từ đó có được sự chọn lựa, cân nhắc phù hợp nhất.
Loại nhà xưởng | Ưu điểm | Nhược điểm | Phù hợp cho doanh nghiệp nào? |
Nhà xưởng xây sẵn | Tiết kiệm chi phí, thời gian xây dựng, chất lượng | Thiết kế có sẵn và doanh nghiệp không có nhiều lựa chọn | Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dùng cho lưu trữ hàng hóa, kho bãi hay sản xuất nhỏ |
Nhà xây theo yêu cầu | Đảm bảo phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn và hoạch định của doanh nghiệp | Chi phí cao, tốn thời gian thực hiện | Thực phẩm, linh kiện |
Nhà xưởng một tầng | Thuận tiện, có thể dễ dàng mở rộng và thay đổi quy mô | Khó chuyên biệt các khu vực chức năng | Linh kiện máy móc, sản xuất – chế biến thực phẩm, cơ khí |
Nhà xưởng cao tầng | Tối ưu hóa diện tích sử dụng | Chi phí thuê hoặc xây dựng cao, đầu tư nhiều cho các tiện ích | Công nghệ cao, phụ trợ, in ấn |
Nhà xưởng không có văn phòng | Đơn giản, tiết kiệm chi phí thiết kế, xây dựng | Không có văn phòng làm việc hành chính – nhân sự | Hàng tiêu dùng, phân bón, gia công kim loại, dụng cụ sửa chữa |
Nhà xưởng có văn phòng | Kết hợp cả sản xuất và hành chính | Chi phí lớn, đầu tư cách âm cho khu vực văn phòng nhiều | Sản xuất quy mô nhỏ |
Nhà xưởng tiền chế là gì?
Xét về đặc điểm của vật liệu chịu lực chính, chúng ta còn có thể phân biệt nhà xưởng thành các dạng như: Nhà xưởng bê tông cốt thép, nhà xưởng tiền chế, nhà xưởng tường gạch chịu lực, nhà xưởng khung gỗ… Trong đó, mẫu nhà xưởng tiền chế rất phổ biến và đang là mô hình nhà xưởng được ưa chuộng nhất hiện nay.
Nhà xưởng tiền chế còn được gọi là nhà xưởng thép tiền chế. Đây là kiểu nhà xưởng được xây dựng, lắp đặt hoàn toàn bằng các kết cấu kiện thép. Từ khung kèo, dầm, cột… Nói chung, toàn bộ vật liệu khung nhà đều bằng thép. Quy trình xây dựng và lắp đặt sẽ được thực hiện thông qua 3 bước:
- Thiết kế bản vẽ kỹ thuật
- Thực hiện gia công các cấu kiện bằng thép theo đúng tiêu chuẩn bản vẽ
- Tiến hành lắp ráp.
Mô hình nhà xưởng tiền chế là mô hình nhà xưởng được sản xuất sẵn, xây dựng bằng cách lắp ráp. Do đó, nó rất tiết kiệm thời gian và chi phí. Nó cũng rất an toàn, thân thiện môi trường. Đặc biệt, mẫu hình này rất linh hoạt trong thiết kế và xây dựng. Doanh nghiệp có thể thi công với bất cứ quy mô, diện tích nào. Thậm chí việc di dời nhà xưởng cũng sẽ được thực hiện nhanh chóng.
Chính vì tính linh hoạt cao, đây được xem là kiểu nhà xưởng có tính ứng dụng cao nhất. Ngoài làm nhà máy, nhà xưởng sản xuất, loại hình này cũng được ứng dụng làm nhà kho lưu trữ hàng hóa rất tiện lợi.
Nhà xưởng GMP là gì? Ưu điểm khi chọn nhà xưởng tiêu chuẩn GMP
GMP – Good Manufacturing Practices. Dịch sang nghĩa tiếng Việt, những nhà xưởng đáp ứng tiêu chuẩn GMP được gọi là những nhà xưởng đáp ứng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt.
Như vậy, nhà xưởng GMP là mô hình nhà xưởng được xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn GMP. Đây là hệ thống các quy định chung, các hướng dẫn đảm bảo nhà sản xuất sẽ luôn làm ra những sản phẩm đạt chất lượng đăng ký cũng như an toàn tối ưu cho người lao động. Tiêu chuẩn GMP được quy định trong Thông tư 18/2019/TT-BYT ngày 17/07/1019.
Các mô hình nhà xưởng GMP phải đáp ứng tốt các quy định sau:
- Thiết kế
- Lắp đặt
- Bảo trì
- Kiểm soát chất lượng
- Đào tạo nhân viên
- Xử lý các sản phẩm không phù hợp
Tức là, nhà xưởng phải đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết bị, tiêu chuẩn về quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn về nhân sự, tiêu chuẩn về kiểm tra và tiêu chuẩn về xử lý các sản phẩm không phù hợp. Với việc đáp ứng hàng loạt các tiêu chuẩn khắt khe, nhà xưởng GMP sẽ đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ và thị trường. Từ đó, tạo được niềm tin nơi khách hàng, người dùng, nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho con người. Mô hình nhà xưởng này cũng thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Có rất nhiều doanh nghiệp cần phải đảm bảo sản xuất trong các nhà xưởng GMP. Đặc biệt là các ngành nghề sau:
- Dược phẩm
- Mỹ phẩm
- Thiết bị y tế
- Mỹ phẩm
Nhà xưởng GMP là loại nhà xưởng được xây dựng và lắp đặt theo các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất. Nhà xưởng GMP phải tuân thủ các quy định về thiết kế, lắp đặt, bảo trì, vệ sinh, kiểm soát chất lượng, đào tạo nhân viên và xử lý sản phẩm không phù hợp.
Có thể nói, nhà xưởng GMP đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình vận hành và phát triển của doanh nghiệp. Đây là một nhân tố quan trọng để khẳng định chất lượng, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
Các vấn đề cần lưu ý khi chọn thuê nhà xưởng
Với xu hướng tập trung về các khu công nghiệp hay cụm công nghiệp, khu chế xuất, nhà xưởng mà các doanh nghiệp thường chọn lựa đa phần đều là nhà xưởng xây sẵn. Và hầu hết các doanh nghiệp đều chọn hình thức thuê nhà xưởng. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp có thể nhanh chóng triển khai sản xuất mà còn có thể linh hoạt trong việc mở rộng hay chuyển địa điểm.
Để chọn được một nhà xưởng phù hợp, doanh nghiệp cần chọn lựa mô hình nhà xưởng tương thích với đặc trưng ngành nghề cũng như quy mô sản xuất. Đồng thời, cân nhắc một số yếu tố sau:
- Mức giá thuê nhà xưởng: Tùy vào vị trí, quy mô, thiết kế, giá thuê nhà xưởng cũng sẽ không giống nhau. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất cũng như tối ưu chi phí, doanh nghiệp cần chọn thuê nhà xưởng có mức giá hợp lý, đặt cọc ít và không tăng giá (hoặc tăng giá theo lộ trình phù hợp) trong suốt thời gian thuê.
- Ưu tiên chọn các loại nhà xưởng xây sẵn để tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời, có thể hoạt động ngay lập tức, tối ưu các chi phí vận hành.
- Chọn những đơn vị cho thuê nhà xưởng có dịch vụ hỗ trợ pháp lý khách hàng chuyên nghiệp, uy tín (IRC, ERC).
- Chọn các nhà xưởng ở vị trí thuận tiện trong tìm kiếm nguồn nhân lực, trong lưu thông hàng hóa. Hạn chế chọn nhà xưởng trong các khu dân cư, sẽ rất khó khăn trong việc vận chuyển cũng như sản xuất (cấm xe tải các khung giờ trong ngày, sản xuất gây tiếng ồn ảnh hưởng khu dân cư, khó mở rộng…)
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu chi tiết về nhà xưởng là gì, các mô hình nhà xưởng tại Việt Nam. Với doanh nghiệp, chọn một nhà xưởng tốt không chỉ là vấn đề tối ưu chi phí. Nó còn là tiền đề quan trọng để đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và phát triển kinh doanh bền vững. Hy vọng thông tin bài viết hữu ích và giúp doanh nghiệp có thêm nhiều gợi ý để chọn được nhà xưởng chất lượng, phù hợp.
Nhân viên tư vấn – Thành Hưng Group
Chuyên gia phân tích và tư vấn lộ trình vận chuyển của Thành Hưng với 10 năm kinh nghiệm trong ngành logistics và hỗ trợ điều phối kho hàng
Sở thích: tìm hiểu kiến thức chuyên sâu về phong thủy, trang trí không gian nhà cửa