Xây dựng văn hóa cộng đồng tại khu chung cư có thể được hiểu như thế nào? Khi sở hữu một căn hộ chung cư, gia chủ không chỉ được trải nghiệm nhịp sống hiện đại, tiện nghi mà còn có cơ hội sống trong một cộng đồng văn minh, bên cạnh những người hàng xóm đồng điệu trong nếp sống, nếp sinh hoạt. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ vận hành toà nhà thì công tác xây dựng văn hóa cộng đồng tại khu chung cư cũng là một điểm được đặc biệt chú trọng của các Ban Quản lý tòa nhà chung cư hiện nay.
Vì sao cần xây dựng quy tắc văn hoá cộng đồng?
Mô hình nhà ở chung cư xuất hiện với nhiều lợi ích vượt trội so với nhà mặt đất như không gian thoáng đãng, có hệ thống quản lý an ninh nghiêm ngặt. Tuy nhiên dù mỗi hộ một nhà, song cư dân cùng sinh hoạt chung trong một cộng đồng, chia sẻ những tiện ích chung như thang máy, bãi đỗ xe, công viên, hồ bơi… nên việc xảy ra mâu thuẫn hay các vấn đề nảy sinh là không thể tránh khỏi.
Tốc độ đô thị hoá tăng nhanh cùng sự “mọc lên” của hàng loạt dự án chung cư đã hình thành những cộng đồng cư dân mang lối sống và hành vi khác nhau. Trên thực tế, rất nhiều hội nhóm cư dân chung cư thường xuyên than phiền, khó chịu thậm chí bức xúc bởi những người hàng xóm không thân thiện, gây ảnh hưởng khi sử dụng cơ sở vật chất chung. Để đồ vật, giày dép lấn chiếm hành lang công cộng, vứt rác bừa bãi, cho con nhỏ nghịch ngợm bấm nút thang máy, sử dụng thang máy vận chuyển người để dắt thú cưng, gây ồn ào vào buổi tối… thường là những vấn đề thường dễ bắt gặp. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa cộng đồng tại khu chung cư theo bộ quy tắc ứng xử chung là điều cần thiết để cư dân có một cuộc sống thoải mái và tiện nghi, góp phần mang đến một cộng đồng cư dân văn minh, đoàn kết và thân thiện.
Xem thêm: Thiết kế ban công chung cư đẹp mãn nhãn
Nguyên tắc cần nhớ khi xây dựng văn hóa cộng đồng cư dân
Khi tiêu chuẩn sống ngày càng được nâng cao, giá trị của một không gian sống lý tưởng không còn gói gọn trong chính ngôi nhà của mỗi gia đình mà còn bao gồm cả môi trường sống và cộng đồng dân cư xung quanh. Nếu cảm thấy chưa hài lòng về căn nhà của mình, chúng ta có thể thay đổi màu sơn chủ đạo của căn hộ, sắp xếp lại các đồ dùng nội thất, mua thêm vài món đồ trang trí nho nhỏ, trồng thêm một vài chậu cây xanh… cải tạo theo ý thích cá nhân để ngôi nhà thực sự trở thành tổ ấm đúng nghĩa.
Nhưng khi chúng ta cảm thấy chưa phù hợp với cộng đồng xung quanh, khi những cuộc cãi vã, xung đột hàng xóm láng giềng luôn ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn thì việc thay đổi hay thích nghi đều cần phải có thời gian. Trong cuộc sống tại chung cư, văn hóa cao nhất là sự nhường nhịn lẫn nhau. Sự tự do của mỗi cá nhân nằm trong giới hạn bởi tự do của người khác. Mỗi cư dân cần dựa vào quy tắc văn hóa chung để tự ý thức và điều chỉnh hành vi ứng xử của mình cho phù hợp với lối sống của chung cư, tạo môi trường sống lành mạnh.
Sự đồng điệu trong nếp sống, nếp sinh hoạt sẽ tạo nên được sự gắn kết giữa các gia đình sống cạnh nhau. Chỉ bằng những cách rất đơn giản thường nhật như: mọi người dành cho nhau những lời chào, những nụ cười thân thiện khi vô tình gặp ở hành lang hay trong thang máy chung cư cũng là cách để cùng nhau tạo nên những giá trị tốt đẹp. Qua đó, hàng xóm láng giềng sẽ có sự kết nối, yêu thương và sẻ chia nhiều hơn.
Cách thức xây dựng quy tắc văn hoá cộng đồng
Mỗi tòa nhà chung cư với hàng trăm căn hộ, hàng ngàn cư dân đều có thể coi như một xã hội thu nhỏ. Việc triển khai bộ quy tắc ứng xử văn minh, thân thiện để xây dựng văn hóa cộng đồng tại chung cư là điều hoàn toàn cần thiết.
Tuy nhiên, đây cùng là điều không hề đơn giản khi cần sự ý thức của từng cá nhân, vốn đến từ nhiều địa phương, vùng miền và có quan điểm sống khác nhau. Có thể nói, với mỗi khu chung cư, vai trò của Ban Quản lý cực kỳ quan trọng, không chỉ đòi hỏi trình độ, sự am hiểu nhất định về việc vận hành mà còn cần nhiều kỹ năng mềm khác. Hiểu rõ điều này, Ban Quản lý tại các tòa nhà cần tích cực vận động cư dân thực hiện các nội quy chung thông qua sổ tay cư dân, tiến hành nhắc nhở những cá nhân vi phạm nếu bị cư dân khác phản ánh.
Khi xảy ra các tình huống phát sinh mâu thuẫn, Ban Quản lý phải đứng ở vị trí trung lập, phân tích một cách khách quan cho các bên thấy lợi – hại ra sao. Mặt khác, cộng đồng cư dân cũng cần phối hợp, đồng hành cùng Ban Quản lý bằng cách hành xử, đối thoại văn minh; chủ động chia sẻ và cố gắng hạ cái tôi của bản thân, hài hòa lợi ích vì một cái chung là nâng cao văn hóa nơi mình sinh sống.
Bên cạnh công tác tuyên truyền về văn hóa nơi chung cư, Ban Quản lý cũng tăng cường truyền thông qua các kênh chính thống để các bên liên quan hiểu và cùng nhau có ý thức xây dựng văn hóa chung cư một cách văn minh, đoàn kết.
Nếu như môi trường sống trong lành với thiên nhiên xanh tươi suốt bốn mùa mang lại cảm giác khoan khoái, dễ chịu; hệ thống tiện ích đa dạng, đẳng cấp mang lại cuộc sống hiện đại, tiện nghi cho chúng ta thì xây dựng văn hóa cộng đồng tại khu chung cư văn minh chính là yếu tố làm nên niềm tự hào về nơi con người ta sinh sống.
Xem thêm:
Nhân viên tư vấn – Thành Hưng Group
Chuyên gia phân tích và tư vấn lộ trình vận chuyển của Thành Hưng với 10 năm kinh nghiệm trong ngành logistics và hỗ trợ điều phối kho hàng
Sở thích: tìm hiểu kiến thức chuyên sâu về phong thủy, trang trí không gian nhà cửa